GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11
"Đọc đi em những cuốn sách trên tay
Lúa xanh mượt những cánh cò bay lả
Tổ Quốc bay lên tầm cao rực rỡ
Cũng bắt đầu từ trang sách hôm nay"
KỊCH BẢN TUYÊN TRUYỀN SÁCH THƯ VIỆN THÁNG 11
Cuốn sách : “ Kể chuyện về những người thầy nổi tiếng xưa”
Hiền: Hát “Khi Thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào, rơi trên bụcgiảng.Có hạt bụi nào vương trên tóc Thầy ...”
Vân Ánh: Bạn ơi! Bạn đang chuẩn bị cho chương trình gì mà tập văn nghệ thê?
Hiền: : À! Chúng mình đang tập văn nghệ để chào mừng một ngày lễ lớn được diễn ra trong tháng này đó. Mình đố bạn biết đó là ngày lễ kỉ niệm gì nào?
Vân Ánh: (gãi đầu) Tự nhiên mình lại quên không nhớ nổi ngày đó là ngày gì cơ.
(quay xuống hỏi các bạn HS phía dưới) Các bạn ơiii! Các bạn có biết trong tháng 11 này có ngày lễ kỉ niệm gì không nhỉ? Giúp mình với.
( đi xuống phía dưới hỏi 1 bạn HS) Cảm ơn câu trả lời của bạn đã giúp mình nhớ ra rồi. Trong tháng 11 này, có ngày kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để các thế hệ học sinh chúng mình tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ công lao và tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt những tri thức và đạo làm người cho bao lớp học tròqua từng thế hệ. Có đúng không Hiền ?
Hiền: Đúng rồi Vân Ánh ạ! Hòa chung không khí kỷ niệm 36 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1982- 20/11/2018 Đoàn Đội trường Tiểu học Cổ Đô đã tổ chức rất nhiều hoạt động tri ân các thầy cô như tập văn nghệ chào mừng 20-11, làm báo tường- báo ảnh về thầy cô và mái trường. Hơn nữa, Thư viện trường mình cßn tổ chức ngày tuyên truyền sách với chủ đề : “ Tôn sư trọng đạo”trong dịp kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Vân Ánh: Vậy sao? Mình thấy không khí buổi tuyên truyền sách này rất lí thú và bổ ích đây. Bạn cho mình cùng tham gia với nhé!
Hiền: Được chứ, mình cùng đi nào.
(dắt tay nhau đi xuống)
Vân Ánh: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.”
Câu ca dao được lưu truyền từ xưa đến nay cho thấy vị thế vô cùng quan trọng của những người làm nghề dạy học. Họ là những “kĩ sư tâm hồn” không chỉ dạy văn hóa, cung cấp cho học sinh những kiến thức về các lĩnh vực tri thức khoa học mà điều quan trọng hơn cả là họ dạy cho học trò chữ “Nhân” để học trò nào cũng trở thành người có nhân cách, biết sống, biết yêu thương, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Hiền: Truyền thống tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy) cho thấy sự hiếu học và tình nghĩa thầy trò của dân tộc ta. Đó là tình, là đạo lí của người học trò đối với thầy và cũng là niềm tin, là sự thành kính thẳm sâu của các bậc cha mẹ đối với người thầy của con mình.
Vân Ánh: Trong buổi tuyên truyền giới thiệu sách ngày hôm nay, chúng em xin trân trọng giới thiệu đến thầy cô và các bạn học sinh cuốn sách: “ Kewẻ chuyện về những người thầy nổi tiếng xưa” do nhà xuất bản Văn Hóa – Thông Tin ấn hành. Sách dày 180 trang với khổ giấy 14,5 x 20,5cm được in 1000 cuốn và nộp lưu chiếu Quý IV năm 2010.
Hiền: Cuốn sách kể về các thầy giáo trong lịch sử của Việt Nam, được khai thác từ truyền thuyết, dã sử và huyền thoại bao quanh các nhân vật. Hy vọng các bạn sẽ thấy ở đây các tấm gương về những người thấy hết lòng, tận tâm đào tạo những người học trò đi từ những bước chập chững đầu tiên đến đỉnh vinh quang.
Vân Ánh: Lật dở những trang đầu của cuốn sách, là nhà sử học đầu tiên của Việt Nam cũng là một thầy giáo có tài trong lịch sử dân tộc ta đó là nhà sử học Lê Văn Hưu. Ông là người làng Thần Hậu - huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Một số tài liệu cho biết, Lê Văn Hưu am hiểu nhiều về địa lí và thi đỗ bảng nhãn năm 1247. Ông đã sống gần trọn một thế kỉ, trực tiếp tham gia chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258) và lần thứ hai (1285). Là nhà sử học đầu tiên của Việt Nam, năm 1272 ông soạn xong bộ Đại Việt sử ký gần 30 quyển, chép từ đời Triệu Vũ đế đến đời Lý Chiêu Hoàng.
Hiền: Lê Văn Hưu cũng là một thầy giáo. Thời kỳ làm môn khách cho các gia đình quý tộc họ Trần, ông đã dạy thượng tướng Trần Quang Khải. Được cử vào viện Hàn lâm thị độc, ông đã giúp vua Trân xem xét bài vở, bồi dưỡng cho lớp người hậu tiến.
Có một giai thoại về Lê Văn Hưu:
Một hôm đi ngang qua lò rèn, thấy người ta đang làm những cái dùi sắt, Lê Văn Hưu muốn xin một cái để làm dùi đóng sách. Người thợ rèn thấy thấy vậy, bèn ra một vế đối:
- Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở.
Lê Văn Hưu liền đối:
- Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên.
Đó là những đôi nét về Lê Văn Hưu, những tấm bia đời sau ghi chép về ông, đều xưng tụng ông là bậc thầy, là tinh thần dân tộc trong tư tưởng giáo dục của ông.
Vân Ánh: Thầy giáo Chu Văn An (1292 – 1370) quê ở làng Quang Liệt (nay là thôn Văn), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông là người tiêu biểu nhất và cũng là một biểu tượng sáng chói nhất trong lịch sử giáo dục của Việt Nam, người được tôn vinh là “vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời) - bậc thánh cao nhất về Nho học.Ngay từ nhỏ, Chu Văn An đã nổi tiếng là người cương trực, luôn sửa mình trong sạch, giữ tiết, không cầu danh lợi, ham đọc sách. Khi còn ở quê hương, ông mở trường dạy học ở Huỳnh Cung, học trò tìm đến theo học rất đông, có nhiều người đỗ đạt và làm quan to trong triều đình như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… chính tư cách thanh cao, học vấn sâu rộng đã làm cho tiếng tăm của ông ngày một lan xa, học trò tìm đến theo học ngày càng đông, nhắc đến ông người ta thường nhắc đến câu “học trò đầy cửa”.
Hiền: Do tài năng và phẩm hạnh, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời vào làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy dỗ các thái tử và phò giúp nhà vua. Đó là một vinh hạnh, một ân sủng lớn của triều đình đối với một vị danh Nho. Những thái tử được ông dạy sau này lên ngôi như vua Trần Hiến Tông; Trần Dụ Tông. Ở cương vị Tư nghiệp, chưa phải là chức quan đại thần, càng chưa phải là ngôi vị trọng yếu trong triều nhưng Chu Văn An vẫn tham gia chính sự và thường can ngăn vua tôi nhà Trần gìn giữ chính đạo. Đó là trường hợp độc đáo nhất trong lịch sử Việt Nam. Trải qua trên dưới 30 năm ở cương vị này, từ việc dạy dỗ các thái tử đến những công việc viết sách giáo khoa, đề xuất các tiêu chí lựa chọn người vào học, chương trình giảng dạy, thi cử để đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước thì những cống hiến của ông với sự nghiệp giáo dục của nước nhà quả là không ai sánh bằng.
Vân Ánh: Tư tưởng lớn của Chu Văn An đã thể hiện rõ tầm quan trọng của giáo dục đối với sự thịnh suy, hưng vong của mỗi quốc gia. Theo ông, việc dạy học phải dành cho tất cả mọi người: “Việc dạy dỗ của thánh nhân không phân biệt người đến học thuộc loại nào”, đồng thời “học phải đi đôi với hành”. Theo quan niệm của ông: “Học mới chỉ là có mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến bước được, có biết mới có làm, có làm mới biết. Cái biết trong làm mới là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc nhất”, giáo dục văn hóa đi đôi với giáo dục làm người. Với quan niệm “tiên học lễ, hậu học văn”, có thể nói Chu Văn An là người truyền dạy Nho học một cách trọn vẹn vào nước ta. Những tư tưởng, quan điểm của ông trong giáo dục có ý nghĩa rất sâu sắc và thiết thực cho đời sau. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và xác định: “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”; “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì quốc gia mạnh”...
Hiền: Cả nước tôn vinh và tưởng nhớ ông, người đời coi ông là người thầy của muôn đời, nhiều đường phố, trường học cùng những giải thưởng khoa học, quỹ khuyến học mang tên Chu Văn An. Cùng với khu di tích Chu Văn An ở thị xã Chí Linh, Hải Dương, khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng được xây dựng với quy mô kiến trúc rộng lớn nhằm tôn vinh Chu Văn An và sự nghiệp giáo dục của ông. Các di tích, đình thờ Chu Văn An không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà thực sự đã trở thành một địa chỉ tâm linh của ngành giáo dục các địa phương, của nhân dân cả nước, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo cho ngày nay và cho muôn đời sau.
Vân Ánh: Rất nhiều câu chuyện đọc xong chắc chắn sẽ khiến độc giả phải dừng lại để suy tư ngẫm nghĩ từ các bậc thầy giáo anh tài kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam ta và không chỉ dừng lại ở thầy giáo Chu Văn An, nhà sử học Lê Văn Hưu mà bên cạnh đó còn là những người thầy như Nguyễn Đình Chiểu cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và y tế, hay như Nguyễn Khuyến với nhiều giai thoại về tài năng và nhân cách của ông. Ở cuốn sách này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu rất nhiều về các bậc thánh nhân, anh tài đó.
Hiền: Kính thưa quý thầy cô giáo cùng tất cả các bạn học sinh thân mến !Đọc tác phẩm chúng ta càng thêm yêu quý, kính trọng thầy cô những người luôn sống vì hạnh phúc của thế hệ tương lai, sống để cống hiến hết mình cho đời.
Các thầy cô luôn làm tròn sứ mệnh với lòng yêu nghề sẽ mãi mãi ngự trị trong trái tim của những người hoc trò chúng em, sự tâm huyết, lòng yêu thương cùng những bài học quý giá sẽ là nhữngdấu chân theo chúng em trên chuyến xe cuộc đời.
Vân Ánh: Trong số nhiều lời ngợi ca thầy cô giáo mà chúng ta đều biết, có lẽ hay nhất vẫn là câu nói: “ Dưới ánh sáng của mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Và “Tâm huyết nhà giáo” sẽ là món quà tinh thần vô giá cho những người đi dạy - đi học.
Vâng, cho dẫu cuộc sống nhiều biến động, những người làm thầy sẽ luôn biết vun đắp ước mơ cho thế hệ trẻ, luôn biết giữ gìn cho ngọn lửa của lòng mình cháy mãi. Có một câu nói của nhà thơ Tagor (Ấn Độ ): “ Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm”.
Qua tập truyện này, chúng mình muốn nhắn nhủ đến tất cả các bạn hoc sinh 1 điều: Hãy ra sức phấn đấu học tập để " hái" những bông hoa điểm mười tươi thắm dâng tặng thầy cô nhân ngày đầy ý nghĩa này.
“Đọc đi em những cuốn sách trên tay
Lúa xanh mượt cánh cò bay lả
Tổ quốc vút lên tầm cao rực rỡ
Cũng bắt đầu từ trang sách hôm nay"
Hy vọng sau buổi giới thiệu sách hôm nay các bạn sẽ tìm đọc cuốn sách “Tấm gương giáo Việt Nam” tại thư viện sách trường mình và giới thiệu cho nhiều bạn bè khác cùng đọc để cảm nhận những cái hay cái đẹp của mỗi câu chuyện về nghề nhà giáo nhé.
Cuối cùng, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chúng em xin gửi đến Thầy Cô lời cảm ơn chân thành, đã dìu dắt chúng em đến gần hơn với chân trời kiến thức. Kính chúc quý Thầy Cô luôn luôn mạnh khỏe và hạnh phúc để luôn mang đến cho chúng em ngày càng nhiều bài học hay và bổ ích..
Hiền: Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm lắng nghe của quý thầy cô giáo cùng các bạn hoc sinh.Hẹn gặp lại các em trong buổi giới thiệu sách lần sau !
Để tạo thêm tinh thần cho 1 tuần học mới đầy lý thú và bổ ích chúng em xin gửi tới quý thầy cô và các bạn học sinh 1 bài hát : Người thầy”đến từ các bạn học sinh trong đội tuyên truyền sách của thư viện nhà trường.
Nguồn tin: Phương Thị Thu